Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_tấn_công_Uman–Botoşani

Kết quả

Chiến dịch Uman-Botoşani là một thắng lợi lớn của Hồng quân Liên Xô với việc Tập đoàn quân số 8 của Đức gần như bị đánh tan với hơn nửa quân số thương vong, cánh phải của Tập đoàn quân 6 (Đức) cũng bị thiệt hại và Tập đoàn quân xe tăng 1 bị hủy diệt một phần. Do mặt trận của Cụm Tập đoàn quân Nam (Đức) đã bị xẻ làm đôi, ngày 17 tháng 3, OKH phải tổ chức lại nó thành Cụm Tập đoàn quân Nam Ukraina (chỉ huy: Ferdinand Schörner) và Cụm Tập đoàn quân Bắc Ukraina (chỉ huy: Walter Model). Mười sư đoàn Đức Quốc xã bị mất từ 50 đến 75% quân số cùng phần lớn các loại trang bị nặng. Theo Văn phòng thông tin Liên Xô (Sovinform), thiệt hại của quân Đức là 118.403 người chết, 27.393 người bị bắt, 165 máy bay, 688 xe tăng và pháo tự hành, 5.600 ôtô, 2.830 đại bác, 2.994 súng cối cùng với nhiều phương tiện vũ khí khác.[5] Nguyên soái I. S. Konev đưa ra con số thấp hơn. Theo ông, có khoảng 62.000 quân Đức chết trận. Quân đội Liên Xô bắt 18.763 tù binh, phá hủy khoảng 400 xe tăng, 2.050 pháo và súng cối, 3.350 súng máy hạng nặng, phá hủy và thu giữ khoảng 21.000 xe quân sự, gần 200 xe tăng và 350 khẩu pháo của Đức bị Quân đội Liên Xô thu giữ trên các đoàn tàu quân sự tại các nhà ga.[3] Quân đội Liên Xô cũng chịu thiệt hại 66.000 người chết và 200.000 người bị thương (kể cả quân số thương vong trong các hoạt động phòng ngự sau chiến dịch). Nguyên soái I. S. Konev thừa nhận các tập đoàn quân xe tăng của ông đã mất 516 xe tăng và 89 pháo tự hành nhưng đã được bù đắp một phần nhờ số xe tăng thu giữ được từ quân Đức.[3]

Quân đội Liên Xô đã tiến sâu từ 200 đến 250 km và giải phóng nhiều vùng đất đai của Ukraina và Moldova, tiến vào miền Tây Bắc Rumani. Trong quá trình chiến dịch, Quân đội Liên Xô đã giải phóng Uman, Vapnyarka, Pervomaisk, Novoukrainka, Mogilev Podolsky, Kotovsk, Bălţi và nhiều thành phố khác. Đà tiến quân của Liên Xô chỉ bị chặn lại trong 2 cuộc phản công của quân Đức ở Târgu Frumos giữa tháng 4 và cuối tháng 5 năm 1944. Kể từ đó, mặt trận khu vực này trở nên ổn định cho tới tháng 8 năm 1944, khi các Phương diện quân Ukraina 2 và 3 (Liên Xô) phát động Chiến dịch tấn công chiến lược Iaşi-Chişinău, đánh tan Cụm Tập đoàn quân Nam Ukraina (Đức), mở đường tiến vào Balkan và theo sườn phía Nam dãy núi Carpath đánh vào Nam Tư và Hungary, tiếp cận biên giới Đông Nam nước Đức Quốc xã.

Đánh giá

Quân đội Liên Xô

Điểm mạnh

Chiến dịch được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ kế hoạch hành động tổng thể đến chính diện tấn công và chiều sâu nhiệm vụ cụ thể của từng tập đoàn quân và quân đoàn, của thê đội 1 và thê đội 2. Trong kế hoạch cũng chỉ rõ chiều sâu nhiệm vụ của ba giai đoạn tấn công, tương ứng với kết nối giữa các giai đoạn là các trận đánh vượt sông hoặc các trận công kiên đánh chiếm các cụm cứ điểm mạnh của quân Đức. Do công tác hậu cần đảm bảo chắc chắn nên các cuộc vượt sông đều được chuẩn bị chu đáo hơn rất nhiều so với Chiến dịch Dniepr. Vì được chuẩn bị chu đáo về nhiên liệu, bảo đảm cơ số xăng dầu, chuẩn bị sẵn các xe kéo trợ lực, các phương tiện vượt lầy nên các tập đoàn quân Liên Xô tiến công với tốc độ nhanh, đạt tốc độ trung bình 13,7 km/ngày; riêng xe tăng cơ giới có ngày đạt trên 45 km. Tốc độ tấn công nhanh đã khiến quân Đức không kịp sơ tán các tài sản quân sự và nhiều thứ trong số đó đã rơi vào tay Quân đội Liên Xô, bao gồm cả xe tăng, máy bay và trọng pháo.

Chiến dịch được đánh giá cao bởi việc chỉ huy linh hoạt, phản ứng mau lẹ trước sự biến đổi của tình huống và việc tổ chức cùng như mối liên hệ rõ ràng, minh bạch giữa các Tập đoàn quân và các đơn vị không quân. Hồng quân đã thể hiện trình độ rất cao của kỹ năng quân sự trong các lĩnh vực tổ chức chiến dịch, nhất là trong việc tổ chức vượt sông và vận động binh lực ở tầm mức chiến dịch. Chiến dịch được thực thi một cách thành công trong điều kiện bùn đất lầy lội (rasputitsa) đặc trưng của mùa xuân Nga và Hồng quân Liên Xô phải thực hiện nhiều trận đánh vượt sông liên tiếp nhau ở sáu con sông mà không hề ngừng nghỉ: Gorniy Tikach, Bug Nam, Dnister, Reut, PrutSiret. Chiến dịch này cũng là lần đầu tiên mà 3 Tập đoàn quân xe tăng được sử dụng cùng một thời điểm trong việc mở đột phá khẩu chính trên một chính diện hẹp của mặt trận.[2]

Việc chuẩn bị sẵn sàng những lực lượng dự bị rất lớn gồm 1 quân đoàn kị binh, 1 quân đoàn xe tăng và 2 quân đoàn cơ giới đã làm cho chiến dịch gần như không có tạm dừng. Trong trường hợp một quân đoàn xe tăng cơ giới bị tổn thất và phải rút ra củng cố đã có ngay một quân đoàn khác vào thay thế (thường gọi là xa luân chiến) đã làm cho cuộc tấn công không bị gián đoạn. Chiến thuật đó còn bảo đảm cho các đơn vị xe tăng, cơ giới và bộ binh Liên Xô vẫn còn đủ sức để đứng vững và chặn đứng các cuộc phản công rất mạnh của quân Đức vào giai đoạn cuối cùng của chiến dịch và giữ được thế có lợi trên chiến tuyến.

Điểm mới trong chiến dịch này là lần đầu tiên, một số sư đoàn bộ binh được cơ giới hóa, sử dụng ô tô để di chuyển. Việc trang bị mới này đã làm cho bộ binh luôn theo kịp xe tăng, thiết giáp trong quá trình tấn công để yểm hộ lẫn nhau mà vẫn bảo đảm tốc độ tấn công nhanh. Nó cũng chấm dứt việc xe tăng phải chở bộ binh trong hành tiến tấn công, dễ làm cho nhiều lính bộ binh thương vong cùng với xe tăng khi bị trúng bom, pháo của đối phương. Cuối cùng, việc tập trung pháo binh với mật độ cao đã bảo đảm phá hủy gần như hoàn toàn các công trình phòng thủ của quân Đức trên tuyến đầu và các tuyến khác, phá vỡ chiến thuật trì hoãn chiến trên từng tuyến sông của quân đội Đức Quốc xã.

Điểm yếu

Kết quả chiến dịch này và Chiến dịch tấn công Proskurov-Chernovtsy đã bộc lộ một số điểm yếu trong chỉ đạo tác chiến của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô (STAVKA) cũng như sự phối hợp giữa các phương diện quân.

Trước hết là mục tiêu kế hoạch. STAVKA ban đầu cũng chỉ dám nghĩ đến mục tiêu chiến dịch là tuyến sông Dniestr. Do đó, khi chiến dịch phát triển diễn biến quá nhanh thì sự chỉ đạo đã có phần lúng túng. Nếu như kìm giữ cánh phải của Phương diện quân thì có thể đạt được mục tiêu tập trung binh lực cùng với Phương diện quân Ukraina 1 giải quyết cái túi Kamenets Podolsky nhưng lại không đạt được mục tiêu không cho quân Đức trụ lại để phòng thủ trên tuyến sông Prut. Việc Phương diện quân tiến nhanh đến sông Prut cũng làm cho giới ngoại giao Liên Xô bị động và trong một thời gian ngắn cuối chiến dịch, họ không kịp đề xuất các biện pháp ứng xử với Romania, một đồng minh thân cận của nước Đức Quốc xã.

Các cánh quân của Phương diện quân cũng không giữ được tốc độ tấn công tương thích với nhau. Đội hình bố trí xen kẽ các tập đoàn quân xe tăng và bộ binh trong tấn công (trừ hai tập đoàn quân cận vệ 5 và 7) đã không giữ được trong suốt quá trình tấn công. Trong khi ba tập đoàn quân xe tăng nhanh chóng vượt lên phía trước thì các tập đoàn quân cánh phải bị tụt lại phía sau trong giai đoạn giữa chiến dịch đã có lúc tạo ra những khoảng trống nguy hiểm giữa xe tăng và bộ binh. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đã một lần phải dừng lại chờ bộ binh theo kịp.

Cánh phải của Phương diện quân có chiều sâu nhiệm vụ ngắn hơn nhưng do binh lực phòng thủ của quân Đức ở phía sau (từ sông Dniestr trở đi) chủ yếu là các đơn vị Romania có sức chiến đấu kém hơn quân Đức nên cánh phải đã vượt lên trước. Trong khi đó, các tập đoàn quân cận vệ 5 và 7 phải khắc phục nhiều cứ điểm mạnh của quân Đức trên đường tiến quân nên tốc độ tấn công chậm hơn. Về cuối chiến dịch, giãn cách giữa hai cánh Bắc và Nam của Phương diện quân Ukraina 2 rộng ra đã làm xuất hiện một lỗ hổng phía trước Paşcani - Iaşi và các sư đoàn xe tăng đã tấn công vào chỗ yếu đó, buộc Phương diện quân phải dừng lại tổ chức phòng thủ.

Cuối cùng, Phương diện quân Ukraina 3 tấn công chậm đã làm ảnh hưởng đến cánh trái của Phương diện quân Ukraina 2, tạo thuận lợi cho quân Đức rút được một số trung đoàn xe tăng ở phía Tây sông Dniepr về củng cố tuyến phòng thủ Iaşi-Chişinău để đến tháng 8, hai phương diện quân Liên Xô phải tổ chức một chiến dịch hợp vây quy mô mới giải quyết được "cánh cửa vào Balkan".

Quân đội Đức Quốc xã

Điểm mạnh

Tướng Otto Wöhler tỏ ra là con người thực tế khi bố trí phòng thủ trên các tuyến sông, những chướng ngại tự nhiên được sử dụng để làm chậm tốc độ tấn công của đối phương và có thể lợi dụng điều đó để tiêu hao sinh lực của bên tấn công. Việc bố trí phòng thủ cũng tương đối chắc chắn, đặc biệt là trên tuyến sông Nam Bug theo chỉ dẫn của thống chế Erich von Manstein. Với binh lực ít hơn nhưng tại các tuyến phòng thủ này, quân Đức cũng làm chậm lại tốc độ tấn công của quân đội Liên Xô từ 1 đến 2 ngày. Mặc dù có ít xe tăng hơn nhưng tướng Otto Wöhler đã bố trí xe tăng chốt chặn ở nhũng điểm vượt sông hiểm yếu (trừ Uman, theo lệnh trực tiếp của Hitler).

Về cuối chiến dịch, phát hiện điểm yếu của quân đội Liên Xô khi triển khai tấn công trong tình trạng "hụt đà" ở Iaşi, quân Đức đã tổ chức phản công bằng các lực lượng dự bị mạnh; có lúc đã đe dọa phía sau lưng những tập đoàn quân Liên Xô đã vượt sông Prut ở phía Bắc Iaşi, gây những lo ngại cho Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô, buộc quân đội Liên Xô phải hoãn lại việc thực hiện kế hoạch tấn công cuối tháng 5 năm 1944.

Các chỉ huy Đức ở Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina sau ngày 17 tháng 3 (Otto Wöhler, Karl-Adolf Hollidt, Maximilian de Angelis, Ferdinand SchörnerJohannes Hans Frießner) tỏ ra linh hoạt hơn so với các tướng chỉ huy các tập đoàn quân và quân đoàn của Cụm tập đoàn quân Bắc Ukraina. Trừ cụm cứ điểm Uman bị nửa hợp vây, họ thường rút sớm các binh đoàn có nguy cơ bị bao vây về các tuyến phòng ngực phía sau và cuối cùng, trụ lại được trên biên giới Romania, buộc quân đội Liên Xô phải tiêu hao sinh lực và phương tiện để tổ chức các đòn công kiên trong tình trạng suy yếu vào các cứ điểm đã được chuẩn bị sẵn ở trung lưu sông Prut.

Cuối cùng, những biện pháp phòng thủ cứng rắn của quân đội Đức Quốc xã cũng đã làm cho I. V. Stalin phải yêu cầu các cấp dưới của mình không được chủ quan khinh địch. Ngày 1 tháng 5 năm 1944, khi đại tướng A. I. Antonov, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô và trung tướng S. M. Stemenko, Cục trưởng Cục tác chiến của Bộ Tổng tham mưu trình dự thảo nhật lệnh với những lời lẽ đầy phấn khích và tin tưởng rằng mọi khó khăn ở nước ngoài sẽ sớm được khắc phục thì I. V. Stalin đã sớm làm nguội lạnh sự quá trớn đó. Ông nói:

Quân đội phát xít Đức bây giờ như con thú dữ bị thương, đang buộc phải bò về hang ổ để chữa chạy các thương tích. Nhưng con thú dữ bị thương còn nguy hiểm hơn một con thú dữ lành lặn... Vì thế, việc giải phóng các dân tộc đang bị phát xít nô dịch cũng không kém phần khó khăn như hồi đánh đuổi chúng ra khỏi đất nước Liên Xô
— I. V. Stalin.[28]

Điểm yếu

Điểm yếu cố hữu của quân Đức trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh vẫn là thiếu hụt về quân số và trang bị đã ảnh hưởng đến kế hoạch phòng thủ của tướng Otto Wöhler. Với quân số khoảng 400.000 quân và số lượng xe tăng ít hơn, riêng về pháo binh còn ít hơn đối phương 2 lần; việc phòng thủ trên nhiều tuyến đã làm giãn mỏng binh lực phòng thủ. Do đó, Tập đoàn quân 8 (Đức) không có tuyến nào thực sự mạnh để ngăn chặn cuộc tấn công của Phương diện quân Ukraina 2 ngay trong nội địa Ukraina. Chỉ đến khi được tăng viện 18 sư đoàn vào cuối chiến dịch thì tuyến phòng thủ cuối cùng của Tập đoàn quân 8 trên sông Prut mới tạm thời ổn định và có ưu thế tương đối về binh lực và phương tiện.

Do có ít pháo mặt đất nên sự trông chờ vào hỏa lực của không quân Đức cũng là một điểm yếu của kế hoạch phòng thủ. So với năm 1943, Tập đoàn quân không quân 4 (Đức) không còn đủ lực lượng để yểm hộ cho hai hướng chiến lược cùng một lúc. Mặc dù được tăng cường trang bị như các sư đoàn không quân Đức nhưng không quân Romania không có nhiều kinh nghiệm không chiến và tấn công mặt đất như không quân Đức, không thể thay thế vai trò của Tập đoàn quân không quân 4 trên những hướng chiến lược quan trọng. Trong khi đó, những trận ném bom liên tiếp của không quân Hoa Kỳ vào khu vực công nghiệp dầu mỏ Ploiești đã làm phân tán một phần hoạt động của Cụm Nam thuộc Tập đoàn quân không quân 4 (Đức) khi cụm này vừa làm nhiệm vụ yểm hộ hướng Nam Ukraina vừa yểm hộ cho Tập đoàn quân 17 (Đức) trên bán đảo Krym. Thời tiết mây và mưa đầu xuân cũng làm cho hoạt động của không quân hai bên đều giảm đi rất nhiều. Nhưng đối với quân Đức, điều đó đồng nghĩa với việc mất đi hỏa lực chủ yếu yểm hộ phòng thủ trên mặt đất khi pháo binh không còn đủ để đảm nhận nó.

Thất bại của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) ở phía Bắc đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức phòng thủ của Tập đoàn quân 8. Nếu như tại thời điểm tháng 12 năm 1943. Tập đoàn quân 8 có trong tay sức mạnh của một cụm tập đoàn quân thi đến đầu năm 1944, với việc chuyển giao nhiều sư đoàn xe tăng cho Tập đoàn quân xe tăng 1, sức chiến đấu của Tập đoàn quân 8 đã giảm đi rất nhiều. Trong Chiến dịch tấn công Proskurov-Chernovtsy, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) bị mắc kẹt tại "cái túi" Kamenets Podolsky đã không thể hỗ trợ cánh trái của Tập đoàn quân 8 trong khi đây là hướng chia cắt quan trọng nhất của chiến dịch Uman-Botoşani.

Sai lầm cuối cùng, như mọi khi, vẫn thuộc về Hitler. Một mặt, ông ta chấp nhận kế hoạch phòng thủ bốn tuyến của tướng Otto Wöhler, mặt khác ông ta lại yêu cầu phải biến Uman, NovoUkrainka, Pervomaisk cũng như một loạt các cứ điểm khác ở Vinitsa, Proskurov, Tarnopol ở phía Bắc Ukraina và Krivoy Rog, Nikopol, Sevastopol ở phía Nam thành những "pháo đài của Quốc trưởng" (danh xưng do Goebbel đặt). Mệnh lệnh này trái với sự phòng thủ linh hoạt mà ông ta nêu trong Chỉ thị 51. Trong tình trạng không đủ quân số và phương tiện thì phòng ngự cơ động tỏ ra có hiệu quả hơn. Nhưng việc bố trí các "pháo đài" như vậy thực chất đã phá vỡ chiến thuật phòng ngự cơ động, dẫn đến những tổn thất lớn cho quân Đức tại các "pháo đài" đó một khi nó bị bao vây và tiêu diệt.

Ảnh hưởng

Chính trị

Sự kiện quân đội Liên Xô tiến ra biên giới quốc gia gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động chính trị của nhiều nước tham gia cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tại Romania, nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc Chiến tranh Xô-Đức, những xáo động đã xuất hiện trong hoàng gia và chính phủ Ion Antonescu. Ngày 26 tháng 3, trở về nước sau thời gian "nghỉ dưỡng" ở Thụy Sĩ, ông ta gửi một bức thư cho Hitler, có đoạn viết:

Trở về nước, tôi thấy rằng tình hình đã khác biệt hơn nhiều so với khi tôi còn là thành viên của Tổng hành dinh của các lực lượng vũ trang... Kẻ thù đã đẩy những lực lượng Đức ra khỏi sông Nam Bug và sông Dniestr, tiến sâu vào sau lưng các lực lượng chúng tôi chỉ còn cách Stefaneşti, Iaşi từ 20 đến 30 km. Cuộc thoái lui của Tập đoàn quân xe tăng 1 là không thể chấp nhận được. Tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 8 ở khu vực Mogilev Podolsky - Kamenka cũng không đáng tin cậy nữa
— Ion Antonesku, [29]

Ngày 20 tháng 3, vua Romania Mihai I (Hoàng thân Hohenzollern), lúc đó đang ở Thụy Sĩ, cử công tước Mihai Ştirbu là đại sứ Romania tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) tiếp xúc với đại sứ Liên Xô tại đây để bàn về việc đình chiến giữa quân đội hai nước và các ảnh hưởng chính trị có liên quan. Cuộc đàm phán kéo dài hơn một tuần. Đến ngày 12 tháng 4, Vua Mihai yêu cầu Antonescu phải ký kết với Liên Xô một hiệp ước đình chiến. Sau khi bác bỏ những thông tin không chính xác đăng trên các báo chí Thụy Sĩ ngày 22 tháng 3; ngày 12 tháng 4, TASS mới công bố bản dự thảo thỏa thuận 6 điểm giữa hai đoàn đàm phán Hoàng gia Romania và Chính phủ Liên Xô gồm có:

1. Romania cắt đứt quan hệ với Đức, quân đội Romania tham gia vào cuộc đấu tranh chung của quân đội các nước đồng minh, bao gồm cả Hồng quân, chống lại quân đội Đức để khôi phục lại độc lập và chủ quyền của Romania.2. Khôi phục lại đường biên giới Liên Xô-Romania như các hiệp ước biên giới Liên Xô-Romania năm 1940.3. Bồi thường thiệt hại gây ra bởi các hoạt động quân sự và chiếm đóng của Romania trên lãnh thổ Liên Xô.4. Hồi hương tất cả các tù nhân chiến tranh của Liên Xô và các nước Đồng minh đang bị giam giữ tại Romania5. Tạo điều kiện cho Quân đội Xô Viết cũng như các lực lượng đồng minh khác được di chuyển tự do trên lãnh thổ Romania theo bất kỳ hướng nào nếu yêu cầu của tình hình quân sự đòi hỏi. Chính phủ Rumani phải bảo đảm hợp tác, cung cấp đầy đủ phương tiện vận tải trên đất liền và bằng đường hàng không.6: Chính phủ Liên Xô bác bỏ phán quyết của Hội nghị Viên ngày 2 tháng 11 năm 1938 và tất cả các hiệp ước bất bình đẳng khác đối với vùng Transilvania của România và sẽ giúp đỡ România thu hồi vùng Transilvania.[30]

Tuy nhiên, chính phủ Antonescu đã bác bỏ dự thảo thỏa thuận này và tiếp tục đứng về phía nước Đức Quốc xã. 18 sư đoàn Đức được đưa vào Romania để cùng với 2 tập đoàn quân Romania chống lại quân đội Liên Xô. Chính quyền Romania bị chia rẽ thành 2 phái. Phái chủ hòa do Vua Mihai I đứng đầu được các lực lượng cánh tả Romania ủng hộ yêu cầu chấm dứt chiến tranh và đứng về phía Đồng minh. Phái chủ chiến do Thống chế - Thủ tướng Ion Antonescu cầm đầu tiếp tục hợp tác với nước Đức Quốc xã chống lại Liên Xô và đồng minh.[31]

Tại Hungary, chính quyền thân Đức đã ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Quân đoàn Hungary được cải tổ thành Tập đoàn quân Hungary đặt dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh Đức. Ngày 19 tháng 3, 12 sư đoàn Đức tiến vào Hungary để chuẩn bị tác chiến trên tuyến 2 của Cụm Tập đoàn quân Bắc Ukraina. Tại Slovakia, các lực lượng kháng chiến chống Đức Quốc xã cũng xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 10 tháng 4 năm 1944, tại Chernovtsy, Lữ đoàn độc lập Tiệp Khắc 1 đã được tổ chức lại thành Quân đoàn Tiệp Khắc một trong thành phần Phương diện quân Ukraina 1 (Liên Xô).

Việc quân đội Liên Xô tiến đến cửa ngõ Balkan cũng làm cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thay đổi thái độ. Họ giảm dần mức độ quan hệ với nước Đức Quốc xã. Tháng 4 năm 1944, Thổ Nhĩ Kỳ cắt nguồn cung cấp quặng Crom cho nước Đức Quốc xã. Tháng 6 năm 1944, họ bắt giữ hai tàu chiến Đức đang đi qua eo biển Dardanelles và đến ngày 2 tháng 8 năm 1944, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ với nước Đức Quốc xã.[32]

Về quân sự

Chiến dịch Uman–Botoşani đã tạo điều kiện cho Phương diện quân Ukraina 3 hoàn thành việc giải phóng Odessa. Trong khi các tập đoàn quân cánh phải của Phương diện quân Ukraina 3 còn đang bị kẹt lại ở hạ lưu sông Nam Bug 8 ngày sau khi thực hiện Chiến dịch tấn công Bereznegovatoye–Snigirevka thì các tập đoàn quân cận vệ 5 và 7 vẫn hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm Pervomaisk và tự yểm hộ cánh trái cho mình. Họ đã giúp Tập đoàn quân 57 đánh chiếm Konstantinovka và tổ chức vượt sông, đánh chiếm các đầu cầu, giúp Cụm kỵ binh cơ giới Pliev và Quân đoàn xe tăng 23 có điều kiện thuận lợi để vượt sông và triển khai chiến dịch Odessa.

Chiến dịch này cùng với Chiến dịch Krym (1944) đã đưa đến một hệ quả khác về quân sự là việc thay đổi tướng lĩnh chỉ huy của các bên. Nguyên soái I. S. Konev được điều đến chỉ huy Phương diện quân Ukraina 1 thay Nguyên soái G. K. Zhukov trở về với cương vị Phó Tổng tư lệnh tối cao. Đại tướng R. Ya. Malinovsky từ Phương diện quân 3 đến thay I. S. Konev. Đại tướng F. I. Tolbukhin thay R. Ya. Malinovsky chỉ huy Phương diện quân Ukraina 3. Trong quá trình chiến dịch Krym, Phương diện quân Ukraina 4 được thu gọn lại thành Tập đoàn quân độc lập Duyên hải. Bộ khung chỉ huy của nó được điều đến mặt trận trung tâm để thành lập Phương diện quân Byelorussia 2 (lần thứ hai). Phía Đức Quốc xã cũng có những thay đổi. Ban đầu, tướng Ferdinand Schörner chỉ huy Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina. Nhưng đến 20 tháng 7 năm 1944, ông này được điều đến chỉ huy Cụm tập đoàn quân Bắc đổi chỗ cho tướng Johannes Frießner đến chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Nam Ukraina.

Nhiều quân đoàn, sư đoàn Đức bị thiệt hại nặng đã làm cho Bộ Tổng tư lệnh Lục quân Đức phải rút ra, tái trang bị, phục hồi và bố trí lại lực lượng. Quân đoàn bộ binh 47 được rút về lực lượng dự bị, được tổ chức lại thành Quân đoàn xe tăng 47 và bố trí ở Normandy (Bắc Pháp). Quân đoàn xe tăng 40 sau khi tái trang bị được điều đến Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Tháng 4 năm 1944, Quân đoàn bộ binh 4 bị thiệt hại nặng phải giải thể. Đến ngày 10 tháng 10 bộ khung của nó được cải tổ và tái trang bị thành Quân đoàn xe tăng 4 bố trí ở Budapest.

Tình huống chia cắt đã buộc Bộ Tổng tư lệnh Lục quân Đức phải rút bớt quân ở Balkan để ném ra tuyến biên giới Romania đã tạo điều kiện cho Quân đội giải phóng Nam Tư của Nguyên soái Josip Broz Tito đẩy mạnh chiến tranh du kích và giải phóng nhiều vùng thuộc Serbia, Khrvatya, Hersegovina và Bosnia.

Các nước đồng minh Anh, Mỹ cũng bắt đầu quan tâm đến tình hình Balkan và tăng cường hơn các quan hệ với quân đội Liên Xô cũng như các lực lượng kháng chiến. Lính biệt kích Anh đã đổ bộ lên Hy Lạp và bắt đầu giúp đỡ quân kháng chiến vùng Macedonia. Không quân Mỹ bắt đầu các cuộc ném bom xuống Ploiești, Bucarest, Athens. Hải quân Anh cũng đồng ý cho quân đội Liên Xô sử dụng sân bay dã chiến tại Bari (Ý) trong việc thực hiện các phi vụ ném bom đường dài và tiếp tế cho du kích Nam Tư. Đổi lại, quân đội Liên Xô cũng đồng ý cho không quân Mỹ sử dụng sân bay Poltava để tái trang bị và tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom tầm xa B-17 thực hiện các phi vụ ném bom xuống nước Đức.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Uman–Botoşani http://www.scribd.com/francis_ouseph/d/51414529-We... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://9may.ru/17.04.1944/inform/m4465 http://militera.lib.ru/h/davtyan/04.html http://militera.lib.ru/h/dorogami_pobed/08.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/03.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/05.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/app.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/15.html http://militera.lib.ru/h/sb_crusade_in_rossia/03.h...